Cảm xúc về thăm Côn Đảo, miền đất thiêng của Tổ Quốc


Chuyến bay từ Đà Nẵng hạ cánh tại TP.Hồ Chí Minh lúc gần 2 giờ sáng ngày 8-3 và đến 4 giờ 30 cùng ngày, Đoàn nữ CBCC của Cục Hải quan TP Đà Nẵng tiếp tục đi Côn Đảo. Dù gần như thức cả đêm, nhưng khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Cỏ Ống- Côn Đảo, với quang cảnh thoáng mát, màu xanh của biển, của đảo, của mây trời hoà quyện đã làm xua tan đi tất cả những mệt mỏi trong các thành viên Đoàn.

Ai ai cũng háo hức khám phá một vùng đất mới, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trên đường về khách sạn, Đoàn được hướng dẫn viên giới thiệu tổng quan về Côn đảo, về vị trí địa lý, đặc điểm, khí hậu, con người, lịch sử của mảnh đất này.

Ngay sáng ngày 8-3, Đoàn đến thăm và thắp hương tại Chùa Vân Sơn Tự- Côn Đảo, một di tích lịch sử đã được xếp hạng. Chùa được xây dựng khang trang trên một hòn núi Cao, mặt hướng ra biển. Nơi đây có bàn thờ Chị Võ Thị Sáu và Bà Hoàng Phi Yến (thứ phi của vua Nguyễn Ánh), là 2 người phụ nữ được dân đảo tôn thờ. Sau đó, Đoàn ngao du đến mũi Cá mập, đỉnh Tình yêu và Bãi Nhát, bãi tắm đẹp nhất Côn Đảo với bãi cát trắng mịn và làn nước trong xanh. Đoàn tiếp tục chuyến hành trình tới thăm cảng Bến Đầm, một cảng lớn nhất tại Côn Đảo. Nơi đây, với màu xanh của cỏ cây, hoa lá, núi rừng hòa cùng không khí thoáng mát, yên bình của biển đảo dường như đã cuốn hút tất cả các thành viên trong Đoàn dừng chân ngắm cảnh và chụp ảnh thật lâu.

Vân Sơn Tự

Buổi trưa, chiều Đoàn được nghỉ ngơi, dạo phố, thăm chợ Côn đảo, và tắm biển… Sau bữa ăn tối, Đoàn có một buổi giao lưu đầy kỷ niệm và ấn tượng. Sự nhiệt huyết, vui vẻ của các thành viên trong Đoàn đã thu hút thành viên các Đoàn bạn đến cùng giao lưu. 23 giờ 30, cả Đoàn hành trình đi bộ dưới ánh sáng của trăng rằm ngày 16, viếng mộ Chị Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương.

Xem thêm:  Bảo tàng Côn Đảo nơi lưu giữ những di sản dân tộc

Mỗi người một vẻ nhưng ai ai trong Đoàn cũng đều cảm nhận được ý nghĩa của việc mình sắp làm. Các thành viên nâng niu sửa soạn lại bó hoa và giỏ trái cây để thắp hương cho Chị Sáu. Từng đoàn người trong đêm tối tay cầm hương, hoa, nến… xếp hàng đi đến trước mộ Chị. Dù không ai nói với ai nhưng tất cả đều im lặng, bước nhẹ nhàng như sợ làm mất giấc ngủ của Chị.

Bản nhạc “Nhớ ơn Chị Võ Thị Sáu” được ai đó trong dòng người vào viếng mở từ điện thoại di động làm xao xuyến thổn thức đến tận cùng. Khi đứng trước mộ Chị, nhìn bức di ảnh được tạc bằng đá trắng, với hình ảnh lá cờ Đảng và cờ Tổ Quốc đang tung bay, sự trắng trong, khí phách dũng cảm của người con gái miền Đất đỏ hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Hình ảnh Chị Sáu khi mới 16 tuổi đã làm bao kẻ thù run sợ và hy sinh anh dũng khi tuổi đời chưa tròn 19 tuổi đã làm nhiều thành viên trong Đoàn phải bật khóc.

Sau khi thắp hương, Đoàn đã dành một phút mặc niệm Chị. Đường đi và về trên 4 km nhưng dường như gần hơn sau việc làm và trải nghiệm đầy ý nghĩa của Đoàn.

Ngày 9-3, cả Đoàn có một ngày ngược dòng lịch sử về quá khứ, Đoàn thăm quan bảo tàng Côn đảo, nơi đang lưu giữ những hiện vật và hình ảnh khắc nghiệt của các nhà Tù tại Côn đảo thời Pháp và Mỹ. Nơi đây cũng trưng bày các hình ảnh đấu tranh anh dũng của những người tù yêu nước qua các thời kỳ như bác Tôn Đức Thắng, bác Lê Duẩn, đồng chí Lê Hồng Phong, Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Liệt sỹ AHLLVTND Lưu Chí Hiếu… và hàng trăm, hàng ngàn các gương liệt sỹ khác. Đoàn dường như bước chậm hơn trước quyển sổ ghi danh những người tử tù với hàng tên Võ Thị Sáu, tử hình ngày 23-1-1952, và nhiều tên, ngày nữa…..

Xem thêm:  Những câu chuyện linh thiêng về hồn cô Võ Thị Sáu
Bảo tàng Côn Đảo

Tiếp theo, Đoàn vào thăm trại tù Phú Hải (trại giam đầu tiên được xây dựng tại Côn đảo), nơi có truyền thuyết về hầm xay lúa, và Cầu tàu 914, nơi ghi dấu chân lưu đày đầu tiên của hàng chục vạn người tù lên đảo. Sau đó, Đoàn thăm quan Trại Phú Tường, nơi có Chuồng Cọp Pháp. Cuối cùng, Đoàn đến trại Phú Bình, nơi có chuồng cọp Mỹ và thăm quan thêm một vài nơi như khu biệt lập chuồng bò, di tích Cầu Ma Thiên Lãnh,… Các thành viên trong Đoàn đã không cầm được nước mắt khi nghe hướng dẫn viên của khu di tích miêu tả lại các hình thức tra tấn tù nhân, đặc biệt là các nữ tù chính trị tại các trại giam, chuồng cọp Pháp và Mỹ.

Trại tù Phú Hải

11 giờ trưa Đoàn đến nhà thờ Côn Đảo, đồng chí trưởng Đoàn đánh 9 hồi chuông trước khi Đoàn vào thắp hương tại nghĩa trang. Nghĩa trang Hàng Dương hiện ra trước mắt với bạt ngàn mộ nằm nhấp nhô bên những hàng dương xanh mát. Sau khi dâng hương hoa tại đài tưởng niệm, Đoàn đã thắp hương mộ đồng chí Lê Hồng phong, Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, chị Võ Thị Sáu, AHLLVT liệt sỹ Lưu Chí Hiếu và nhiều mộ khác.

Dọc đường đi, Đoàn đã nhìn thấy rất, rất nhiều nấm mộ vô danh đơn sơ, lạnh lẽo, làm đau nhói cõi lòng. Tất cả họ đều đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ Quốc khi tuổi đời còn rất trẻ. Có lẽ vì vậy, nên dù giữa trưa nắng, các thành viên trong Đoàn, ai ai cũng mong muốn đi xa hơn nữa để thắp lên nấm mộ liệt sỹ những nén hương trầm, làm ấm lòng các anh chị. Đây cũng là cách để Đoàn thể hiện lòng biết ơn trước sự hy sinh dũng cảm của những liệt sĩ thầm lặng, cảm ơn các anh chị đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, hy sinh thân mình cho ngày toàn thắng của đất nước.

Xem thêm:  Tổng hợp các dịch vụ tại Côn Đảo bạn cần biết

Đoàn tiếp tục đến viếng Miếu Bà Phi Yến, thứ phi của vua Nguyễn Ánh và Miếu Cậu, nơi thờ Hoàng tử Cải, con trai của Vua Nguyễn Ánh và bà Hoàng Phi Yến.

Miếu bà Phi Yến

Điểm thăm quan cuối cùng là bãi tắm Đầm Trầu, một bãi tắm hoang sơ chưa bị khai thác với làn nước trong xanh và bãi cát vàng… Một ngày với rất nhiều điểm đến thăm quan tại các di tích lịch sử nhưng các thành viên trong Đoàn đều vẫn mong muốn khám phá nhiều hơn nữa. Sau khi về khách sạn nghỉ ngơi, một số thành viên của Đoàn đã đến thăm Nhà lưu niệm Chị Võ Thị Sáu, nơi trưng bày những hình ảnh và hiện vật về cuộc đời hoạt động của Chị và những tặng phẩm mà các Đoàn đến viếng Chị, thăm thị trấn Côn Đảo.

Sáng ngày 10-3, Đoàn rời Côn Đảo về TP Hồ Chí Minh, khép lại một chuyến thăm quan về miền đất thiêng đầy ý nghĩa và bổ ích. Mỗi thành viên khi tạm biệt Côn Đảo đều mang theo nhiều cảm xúc và những kỷ niệm đẹp. Thật sự, chỉ khi đặt chân đến Côn đảo, chúng ta mới cảm nhận hết được sự hy sinh, mất mát lớn lao cũng như sự chịu đựng, dũng cảm phi thường của các thế hệ đi trước.

Khi trở về, chắc hẳn tự tâm mỗi người đều tự nhủ mình cần phải làm nhiều việc tốt hơn, sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn, luôn phấn đấu là những phụ nữ Hải quan năng động, sáng tạo, đoàn kết, hội nhập và phát triển để không phụ công ơn của các Anh hùng liệt sỹ đã cho chúng ta có được cuộc sống hòa bình hôm nay.

Nguồn: banquanlyditichcondao.vn